Sau thành công vang dội của X-Men: Days of Future Past năm ngoái và Deadpool hồi đầu năm nay, có vẻ như hãng Fox đã tìm ra được hướng đi đúng đối với “đứa con cưng” của mình. Tiếp tục phát huy thế mạnh đó, X-Men: Apocalypse đã trở thành một trong những bom tấn của năm 2016.
10 năm sau các sự kiện trong Days of Future Past, Magneto đã ở ẩn và sống cuộc sống bình thường với một gia đình nhỏ. Còn Giáo sư X cùng với Beast cũng đã mở lại ngôi trường dành cho thiếu niên thiên tài của mình và thu nạp thêm nhiều học sinh mới, trong đó có Jean Grey và Cyclops. Thế giới những tưởng sẽ bình yên thì gã dị nhân hùng mạnh Apocalypse tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Nhận thấy loài người mù quáng, yếu đuối đang hủy diệt hành tinh, Apocalypse quyết tâm san bằng thế giới để làm lại từ đầu. Hắn chiêu mộ bộ tứ sĩ để giúp sức gồm Storm, Angel, Psylocke cùng với Magneto. Trước tình hình đó, Giáo sư X cùng với sự giúp đỡ của Mystique, Quicksilver và các học trò phải đứng lên chống lại ngày tận thế.
Toàn bộ dàn diễn viên quen thuộc với khán giả qua “X-Men: First Class” và “X-Men: Days of Future Past” đã trở lại với vai diễn của mình
Tiếp nối thành công của 2 bộ phim trước, Apocalypse tiếp tục đi sâu vào khai thác tâm lý của Magneto và Giáo sư X. Về phần Magneto, cuộc đời anh là một chuỗi bi kịch khi toàn bộ những người thân yêu đều bị tước đoạt mất. Chìm đắm trong đau đớn và thù hận nhưng sâu thẳm bên trong con người lạnh lùng này vẫn là một nhân cách cao cả đang tranh đấu dữ dội để tìm về con đường đúng.
Còn đối với Giáo sư X, khả năng ngoại cảm vẫn luôn mang lại cho anh rất nhiều tổn thương về tinh thần khi quá nhạy cảm với nỗi đau của những người xung quanh. Thậm chí đó còn là nỗi đau của riêng anh khi phải xóa đi kí ức của người phụ nữ anh đem lòng yêu thương để bảo vệ cho thế giới dị nhân. Dù thế, Giáo sư X vẫn luôn là một người lạc quan và tinh thần bất khuất bảo vệ mọi người. Phức tạp trong việc thể hiện nhiều khía cạnh trong tính cách nhân vật, có thể nói, khả năng thủ diễn nội tâm xuất sắc của Michael Fassbender và James McAvoy đã góp phần rất lớn vào thành công của bộ phim.
Mystique có nhiều đất diễn hơn nhiều và đã thể hiện sự trưởng thành khi dẫn dắt các dị nhân trẻ. Tuy nhiên, khá tiếc khi vai diễn của Jennifer Lawrence lại mang màu sắc Húng Nhại nhiều hơn là một Mystique mà fan trông chờ. Beast – Hank ở phần này không có nhiều đất diễn, anh chỉ là chàng trai si tình và một giảng viên trợ giảng hết sức nhiệt tình. Tuy nhiên, anh cũng thể hiện được sự trưởng thành trong cách hành động và suy nghĩ của mình. Cả anh và Mystique đều không còn quá quan tâm tới các vấn đề cá nhân mà lo cho đại cuộc.
Diễn xuất của dàn diễn viên trẻ trong phim cũng là một điểm sáng khi được tạo nhiều đất diễn nhằm biến họ thành chủ đạo trong tương lai. Trong số đó, Jean Grey của Sophie Turner là người nổi bật nhất và trường đoạn phô diễn sức mạnh của cô sẽ là một trong những điểm đáng mong đợi của phim. Cyclops của Tye Sheridan và Nightcrawler của Jodi Smith-McPhee cũng được xây dựng tốt hơn các phần trước khi có tính cách rõ rệt.
Tuy nhiên, vì quá chăm lo cho dàn diễn viên chính mà tuyến nhân vật phản diện lại không có nhiều đất diễn. Tính cách cũng như những diễn biến tâm lý của tứ kỵ sĩ, trừ Magneto, ít được nhắc tới khiến người xem có cảm giác họ chỉ làm nền cho các nhân vật chính thể hiện.
Kĩ xảo của X-Men: Apocalypse được thực hiện khá tốt. Năng lực của những dị nhân được trau chuốt và khá đẹp mắt. Tuy nhiên, những trận đối đầu của các nhân vật chính không được biên tạo tốt nên tạo ra cảm giác rời rạc và hẫng hụt cho người xem. Nhưng bù lại, những cảnh tàn phá trên diện rộng cũng được đầu tư khá kĩ lưỡng đã tạo ra một thế giới khải huyền đầy khốc liệt.
Nhịp phim diễn ra hơi nhanh cùng với nhiều sự kiện dồn dập dễ làm khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Tuy nhiên do ôm đồm nhiều, đây lại là con dao hai lưỡi sắc lẹm vì không phải ai cũng có thể nắm hết những sự kiện xảy ra trong hai phần trước.
Apocalypse là một kẻ ác xứng tầm khi “nói được làm được”. Sức mạnh mang tầm vóc thần thánh của hắn dễ dàng làm người xem nín thở hồi hộp không biết chuyện gì sắp xảy đến. Tuy nhiên, như những phản diện khác có gốc gác Marvel, khi lên phim hắn lại dễ bị đánh bại và bộc lộ nhiều điểm yếu bất hợp lý trong tính cách.
Nhấn mạnh tâm lý và hành động nhưng X-Men: Apocalypse cũng đã khéo léo cài cắm các tình tiết gây cười để tránh nặng nề cho người xem. Và đây chính là thời điểm tỏa sáng của Quicksilver và Nightcrawler. Nightcrawler luôn có những hành động “trẻ con” và dễ thương mỗi khi gặp khó khăn để giảm căng thẳng trong mạch phim. Còn với Quicksilver của Evan Peters, mỗi lần xuất hiện là thu hút mọi sự chú ý và tạo ra những tràng cười không ngớt cho người xem.
Trường đoạn hành động của anh trên nền nhạc Sweet Dreams hứa hẹn sẽ thú vị không kém Time In The Bottle của Days of Future Past. Cũng chính âm nhạc cũng đóng góp một phần rất lớn. Những đoạn chiến đấu thêm dồn dập, căng thẳng còn những phân đoạn tình cảm thì nhẹ nhàng tha thiết khiến cho cảm xúc của người xem được đẩy tới cao trào.
Apocalypse được xem là một sự bắt đầu cho một kỉ nguyên mới của X-Men cũng như là sự giao thoa giữa thế hệ cũ của Giáo sư X, Magneto và thế hệ trẻ của Jean Grey, Cyclops… nên phim sử dụng rất nhiều hình ảnh flashback từ các phần phim trước. Những hình ảnh này không chỉ gợi nhắc chặng đường mà X-Men đã trải qua mà còn góp phần rất lớn trong việc phát triển tâm lý của nhân vật.
Cuối cùng, phim cũng đã thành công trong việc mở rộng vũ trụ X-Men bằng việc giới thiệu hàng loạt dị nhân mới như Jubilee và trong after-credit của mình. Màn cameo của Wolverine cũng cực kì ấn tượng với những cảnh đánh nhau đậm chất bạo lực để giới thiệu cho bộ phim cuối cùng của anh dán nhãn R.
Nhìn chung, X-Men: Apocalypse là một bộ phim xứng đáng để ra rạp. Với những gì mà phim mang lại, người xem hoàn toàn có thể tin tưởng vào những tác phẩm cộp mác hãng Fox và thương hiệu X-Men trong tương lai.